Nội dung chính trong bài [ Ẩn ]
1. Định nghĩa về thoái hóa cột sống cổ
"Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lí cột sống, do cột sống cổ thường xuyên chịu nhiều tải trọng xảy ra liên tục dẫn đến biến đổi thoái hóa ở các đĩa đệm, thân đốt sống và các mỏm gai sau.
Ban đầu sẽ có biểu hiện thoái hóa ở các sụn khớp, sau đó đến các đĩa đệm, dây chằng cột sống gây đau mỏi"
2. Biểu hiện thoái hóa cột sống cổ
Bệnh thường diễn biến chậm, từ từ, tăng dần. Giai đoạn đầu các triệu chứng bệnh thường không rõ ràng, khiến người bệnh khó có thể phát hiện được. Chỉ đến khi các cơn đau nặng lên, và các dấu hiệu bệnh trầm trọng hơn thì người bệnh mới vội vàng đi khám
Các biểu hiện thường gặp nhất gồm:
- Cảm giác vướng, đau ở cổ, có thể bị sái cổ, vẹo cổ.
- Cơn đau từ gáy lan ra xuống 2 bả vai, cánh tay ở một hoặc hai bên, cũng có thể lan ra tai, cổ, đầu, có thể gây nhức đầu vùng chẩm, vùng trán. Một số trường hợp gây cảm giác tê buồn và mất cảm giác ở tay và bàn tay làm người bệnh khó khăn trong sinh hoạt như cầm nắm, nặng hơn có thể bị liệt.
- Đau và cứng cổ tăng lên khi thời tiết thay đổi, hoặc khi ho, hắt hơn, giảm đau khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên có trường hợp người bệnh đau liên tục, đau nhiều ở vùng gáy hoặc cả vùng sau đầu và nhức 2 bên thái dương. Đau nặng có thể không vận động được vùng cổ, khó khăn khi quay phải và quay trái
- Một số bệnh nhân, thoái hóa cổ gây chèn ép các động mạch giảm lưu lượng đến não, gây đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, hoa mắt, nhìn mờ, đổ mồ hôi, mất thăng bằng, ngất
3. Nguyên nhân gây bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Một số nguyên nhân gây thoái hóa cổ hay gặp nhất gồm:
- Chấn thương, bệnh lý: do ngã xe, tai nạn lao động, xô sát, chầy xước, do các bệnh lí loãng xương, viêm khớp,...
- Hoạt động sai tư thế: Làm việc đòi hỏi cúi nhiều, mang vác nặng trên đầu, ngửa nhiều, đeo ba lô nặng trên vai, ngủ sai tư thế, ngồi trước màn hình máy tính quá lâu, … đều có thể làm sai lệch cấu trúc bình thường của cổ. Lâu ngày làm biến đổi dây chằng, mô xương, cơ.
- Tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ càng tăng do hệ xương khớp bị lão hóa, xương yếu, xơ cứng khớp, mòn sụn khớp…
- Di truyền: Trong gia đình có người thân bị bệnh, thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn 2-3 lần so với người bình thường.
- Chế độ ăn uống: Ăn uống thiếu hụt dinh dưỡng cần thiết như calci, xương bị loãng, dễ bị thoái hóa.
4. Phòng và điều trị thoái hóa cột sống cổ không dùng thuốc
Dưới đây là một số bài tập đơn giản, dễ thực hiện và tiết kiệm. Mục đích làm máu được lưu thông, các cơ được chắc khỏe, trơn tru, linh hoạt.
- Xoay cổ: Tư thế nhìn thẳng, sau đó, từ từ xoay đầu sang trái, giữ trong ít giây rồi trở lại vị trí ban đầu lặp lại quay đầu sang phải. Bài tập này giúp các cơ cổ được vận động, cổ bớt đau và linh hoạt hơn.
- Gập cổ: Tư thế nhìn thẳng từ từ cúi đầu chạm ngực cho đến khi cảm thấy mỏi thì dừng và tiếp tục thực hiện. Lặp lại động tác 10 lần, làm 2 lần trong ngày giảm cơn đau nhức do thoái hóa đốt sống cổ gây nên.
- Nghiêng đầu sang một bên: Tư thế nhìn thẳng sau đó nghiêng đầu sang một bên cho đến khi thấy mỏi thì dừng lại và đổi bên
- Ưỡn cổ: Thẳng lưng, thẳng cổ, từ từ đưa đầu ra sau, mắt nhìn thẳng hướng lên trên giữ 10 giây rồi trở về vị trí ban đầu. Làm 5 lần mỗi bên, ngày thực hiện động tác 3-4 lần.
- Nhấc vai: Nhấc mỗi bên 10 lần, sau đó nhấc cả 2 vai một lúc 10 lần.
- Kéo giãn cột sống: Nằm ngửa trên mặt phẳng nhờ một người ngồi đằng trên đầu, lấy tay giữ 2 bên gáy kéo giãn cột sống cổ đến khi mỏi thì giảm từ từ, lặp 10 lần thì dừng lại
Khi luyện tập nên giữ tinh thần thoải mái, có thể nghe nhạc thư giãn, hít thở điều hòa, phù hợp với sức lực. Tốt nhất nên tập đều đặn hàng ngày, sau khi tập xong dùng hai tay mát xa nhẹ theo hình xoắn ốc từ cổ đến hai vai